image banner
Hội thảo “Phát triển giáo dục và đào tạo Quận Ngô Quyền 2023-2030, định hướng 2045”
Nhằm mục tiêu phát triển sự nghiệp Giáo dục và đào tạo một cách đồng bộ, cân đối cơ cấu và quy mô, hình thức học tập đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của Nhân dân, hướng tới “xây dựng xã hội học tập”. Sáng 21/8, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội thảo “Phát triển giáo dục và đào tạo Quận Ngô Quyền giai đoạn 2023-2030, định hướng đến 2045”. Tới dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Đào Khánh Hà, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Các đại biểu dự Hội thảo tham quan mô hình tự lắp ráp, gian trưng bày và trải nghiệm công nghệ của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: TS. Vũ Minh Đức, Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành giáo dục; Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố; TS. Phạm Văn Hà, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền; Cáp Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền.

Bí thư Quận ủy Ngô Quyền Phạm Văn Hà trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền Phạm Văn Hà cho biết, quận Ngô Quyền được thành lập từ năm 1961, hiện có diện tích trên 11,34 km2 với dân số gần 170.000 người, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, đầu mối giao thông quan trọng của thành phố. Những năm qua, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục đào tạo luôn được quận Ngô Quyền cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng, các chương trình hành động, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Cáp Trọng Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Trên địa bàn quận, quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục không ngừng gia tăng về số lượng: năm 2000, toàn quận có 41 cơ sở giáo dục, sau 20 năm (giai đoạn từ năm 2020 đến 2023) có 62 cơ sở, trong đó: cơ sở công lập được sắp xếp kiện toàn từ 37 thành 33 cơ sở; cơ sở ngoài công lập được chú trọng tăng nhanh từ 4 cơ sở tăng lên 27 cơ sở. Số lượng học sinh tăng từ 27.000 lên 40.000 học sinh các cấp. Đội ngũ giáo viên khối phổ thông có trình độ chuẩn và trên chuẩn cao hơn mặt bằng chung của thành phố. Chất lượng giáo dục đào tạo liên tục phát triển, luôn duy trì và giữ vững vị trí tốp 3 đơn vị đứng đầu thành phố. Giáo viên tham gia các kỳ thi đều có thành tích cao, đứng ở tốp đầu của thành phố và nhiều năm dẫn đầu thành phố. Đặc biệt, hằng năm học sinh quận Ngô Quyền đều có từ 01 đến 02 em đạt Giải Quốc tế.

Nhấn mạnh quan điểm, Giáo dục và đào tạo phải là động lực quan trọng trong sự phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của quận, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền mong muốn tại Hội thảo này sẽ  nhận được sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục,… để nhận diện đúng các điểm nghẽn, những trở ngại mà giáo dục và đào tạo quận hiện đang vướng mắc, những hạn chế, bất cập, những vấn đề thực tiễn đặt ra, để từ đó có định hướng cụ thể, đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo quận trong giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng phòng Phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền Trần Thị Hồng Hiệp nêu các vấn đề về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp và quản lý nhà nước về giáo dục.

Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Viên Đỗ mai Hương nêu các giải pháp xây dựng hệ thống trường trọng điểm, chất lượng thuộc tốp đầu thành phố.

Tại Hội thảo, các ý kiến tham gia tập trung vào các vấn đề liên quan đến: Quy hoạch mạng lưới trường, lớp; xây dựng trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia, trường quốc tế với các giải pháp về tổ chức và quản lý nhà trường, phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình, phương pháp giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục…; Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và kết nối trường học một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả…; Giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và định hướng nghề nghiệp…

Gian trưng bày và trải nghiệm công nghệ của thầy và trò Trường THPT Thái Phiên.

Quận Ngô Quyền đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2023-2025: 90% cán bộ quản lý, giáo viên (tính cả khối ngoài công lập) có trình độ đào tạo đạt chuẩn; 35% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; 70% các trường Mầm non triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh; 100% học sinh các trường Tiểu học được học chương trình tiếng Anh tự chọn; xây dựng thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng mỗi cấp học (từ Mầm non đến THCS) có từ 01 đến 02 trường có chất lượng tốp đầu thành phố.

Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên (tính cả khối ngoài công lập) có trình độ - đào tạo đạt chuẩn; 40% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; 100% cán bộ quản lý (khối công lập) có bằng Đại học chính quy hoặc Thạc sĩ trở lên; 80% các trường Mầm non triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh; duy trì 100% học sinh các trường Tiểu học được học chương trình tiếng Anh tự chọn; xây dựng thêm 01 trường đạt chuẩn quốc gia, 01 trường quốc tế; phấn đấu mỗi cấp học (từ Mầm non đến THCS) có từ 02 đến 03 trường chất lượng vào tốp đầu thành phố; huy động nguồn lực xây dựng Trường THPT Thái Phiên đạt chuẩn quốc gia.

Đến năm 2045, quận Ngô Quyền trở thành Trung tâm Giáo dục và đào tạo của thành phố, các cơ sở giáo dục được xây dựng đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0